8 bước xây dựng tầm nhìn cho Doanh nghiệp

Một trong những yêu cầu đầu tiên để xây dựng doanh nghiệp bền vững là xây dựng tầm nhìn vĩ đại cho doanh nghiệp của bạn. Doanh nghiệp khó có thể đi đến thành công nếu không có được tầm nhìn rõ ràng ngay từ ban đầu. Khi làm các chương trình huấn luyện doanh nghiệp, nhiều chủ doanh nghiệp đã nói với chúng tôi rằng, ước gì họ biết rõ họ sẽ đi đâu và hiểu rõ được sức mạnh của tầm nhìn. 

Xây dựng Tầm nhìn doanh nghiệp như thế nào?

Tầm nhìn là gì?

Tầm nhìn chẳng phải là gì quá bí hiểm như cái tên của nó. Một tầm nhìn, đơn giản chỉ là một bức tranh về một sự thành công sẽ đạt được tại một thời điểm trong tương lai. Một tuyên bố về tầm nhìn cần phải trả lời cho được câu hỏi cơ bản là: chúng ta muốn trở nên như thế nào “what do we want to become”.

Nó bao hàm hàng loạt những câu hỏi như: Doanh nghiệp sẽ như nào trong 20 năm hoặc 30 năm nữa hoặc xa hơn? Nó lớn ra sao? Nổi tiếng về cái gì? Tại sao mọi người lại quan tâm tới những gì Doanh nghiệp làm? Những nhân viên trong doanh nghiệp cảm thấy công việc của họ ra sao? Tôi cảm thấy thế nào với chính doanh nghiệp của mình? Vai trò của tôi trong đó là gì?…

Xây dựng được tầm nhìn sẽ giúp gì cho doanh nghiệp của bạn?

Hoàn tất quá trình xây dựng tầm nhìn, và bạn sẽ có một cái nhìn rõ ràng về kết quả của doanh nghiệp – một điều không thay đổi mỗi khi thị trường hay tâm trạng của bạn thay đổi.

Một tầm nhìn đủ lớn sẽ mang lại cảm hứng, nó giúp bạn và mọi người trong doanh nghiệp hào hứng đến làm việc, nó tập hợp tất cả mọi người đi làm hàng ngày để xây dựng nên điều đó. Đây không chỉ là một ý nghĩ mong muốn. Một tầm nhìn phải hoàn chỉnh một cách chiến lược. Bạn phải có những chiến lược hợp lý và có đủ dũng khí để bước đi đến đó.

Tại ActionCOACH, chúng tôi xây dựng tầm nhìn mỗi khi chúng tôi bắt đầu một dự án mới. Với toàn bộ công ty, chúng tôi có một tầm nhìn tổng thể. Chúng tôi cũng có tầm nhìn cho mỗi chi nhánh văn phòng trên các nước và trên thế giới, chẳng hạn như tại đây, văn phòng ActionCOACH CBD tại TP.HCM. Tầm nhìn cũng là điều mà mỗi nhà huấn luyện hay nhân viên chúng tôi đều đọc hiểu và thực hiện mỗi lần cập nhật lại.

Xây dựng tầm nhìn doanh nghiệp
Xây dựng tầm nhìn doanh nghiệp dựa vào tầm nhìn nhà lãnh đạo

Để rõ ràng hơn, một tầm nhìn không phải là một kế hoạch chiến lược. Tầm nhìn chỉ cho ta thấy rõ chúng ta đang đi đâu. Còn các kế hoạch cho ta biết chúng ta đang thực sự đi đến đó như thế nào. Chúng tôi chỉ bắt đầu lập kế hoạch làm việc sau khi chúng tôi đã thỏa thuận xong về tầm nhìn. Tạo kế hoạch hành động không có tầm nhìn…? Tôi không thể hình dung ra bạn sẽ phải làm thế nào. Thử hỏi Google Maps chỉ đường cho bạn mà bạn không viết rõ điểm đến là đâu xem nào hay lên xe taxi và bảo với tài xế là đưa bạn về mà chẳng biết sẽ đi về hướng nào.

Tin tốt là tạo ra tầm rất dễ và thời gian bỏ ra để tạo một tầm nhìn chiến lược không mất quá 60 phút. Chắc bạn đang há hốc miệng. “Chỉ nửa giờ để viết ra tầm nhìn cho doanh nghiệp của tôi ư?” Thế còn thu thập thông tin, tư vấn các chuyên gia, tiếp cận những xu hướng mới và những chỉ số kinh tế hàng đầu thì sao? Câu hỏi hay đấy, nhưng cứ làm đi, bạn sẽ thấy bạn chẳng cần những thứ đó. Tại sao? Mặc dù chúng ta dành cả đời làm việc để giải quyết những vấn đề và những cơ hội khi thế giới trao cho chúng ta, thì việc tạo tầm nhìn lại đến từ bên trong ra. Nó chính là những gì bạn tin, những gì làm bạn hào hứng, những gì bạn thực sự muốn làm.

8 bước xây dựng tầm nhìn cho Doanh nghiệp của bạn

BƯỚC 1 – Chọn chủ đề để xây dựng tầm nhìn

Trước khi tạo tầm nhìn về bất kỳ điều gì, điều quan trọng nhất là bạn phải bắt đầu rõ ràng về việc bạn đang làm gì. Đây có phải là tầm nhìn chung cho toàn doanh nghiệp không? Hay chỉ là một tầm nhìn nhỏ trong đó? Cho hiện tại? Hay cho đến khi bạn nghỉ hưu? Chúng ta sẽ tạo tầm nhìn về tất cả những điều trên và mọi thứ ở giữa.

BƯỚC 2 – Chọn khung thời gian

Bạn dự định tầm nhìn bao xa? Không có câu trả lời nào đúng hay sai cho vấn đề này. Nhưng nhìn chung, để tạo ra tầm nhìn tốt nhất bạn hãy hướng về một tương lai đủ xa để thoát khỏi mọi vấn đề hiện tại và đủ thời gian phát triển. Phần lớn các doanh nghiệp tạo tầm nhìn trong khoảng thời gian từ 2-10 năm, nhưng tầm nhìn 5  năm là khoảng thời gian thích hợp nhất.

BƯỚC 3 – Lập danh sách các thành tích

Hãy nghĩ về những công việc bạn đang làm, và viết một bảng danh sách những thành tựu tích cực đã đạt được phù hợp với công việc hiện tại. Bạn có thể ghi những đóng góp chi tiết mà bạn và các đồng sự đã đạt thành công trong quá khứ, hay những kỹ năng, những kỹ thuật, những nguồn lực có thể dùng để đặt nền tảng cho tầm nhìn của bạn. Bất kỳ điều gì bạn nghĩ ra trong đầu đều tốt. Đừng căng thẳng quá. Chỉ mất không quá 10 phút thôi. Ý tưởng ở đây là tạo ra một nền tảng năng lượng tích cực và những kinh nghiệm quý giá mà bạn có thể dùng để xây dựng lên thành công tương lai. Những nhà lãnh đạo càng tích cực, thì càng đạt được tầm nhìn vĩ đại.

BƯỚC 4 – Soạn bản nháp đầu tiên để xây dựng tầm nhìn

Viết tầm nhìn thì rất quan trọng, nhưng đừng đặt nó quá nặng. Theo kinh nghiệm của tôi, lượng thời gian bạn dùng để soạn thảo bản nháp không liên quan đến chất lượng tầm nhìn. Có người lập luận rằng, càng bỏ nhiều thời gian ra thì chất lượng bản nháp càng tốt chứ. Nhưng bạn thử nghĩ lại xem, nếu dành quá nhiều thời gian viết một bản nháp dài thường không có được những tầm nhìn đầy cảm hứng và sáng tạo.

Bạn có thể soạn thảo tầm nhìn theo cách của bạn – theo gạch đầu dòng, viết tay, hay trên máy tính. Có người thích vẽ ra tầm nhìn rồi giải thích những gì họ vẽ. Nhưng bạn phải nhớ viết chữ thật to “BẢN NHÁP” lên trang giấy. Chúng tôi nhận thấy rằng, khi bạn viết chữ đó lên đầu trang giấy, bạn sẽ thoải mái viết các ý tưởng hơn, vì nếu không có, mọi người thường cho rằng đây là bản cuối cùng và thường có xu hướng viết hơi cứng nhắc.

Trước khi viết, có một số gợi ý hay dành cho bạn. Nếu bạn làm theo thì bạn sẽ làm tốt hơn:

  • Một tầm nhìn vĩ đại. Chúng ta đang viết một tầm nhìn vĩ đại cho doanh nghiệp của mình, do vậy bạn phải nghĩ về một điều gì đó thật vĩ đại. Ví dụ như: Đội tuyển bóng đá Việt Nam đoạt cúp vô địch Đông Nam Á, kinh tế Việt Nam phát triển vượt Singapore, hay đại loại như doanh nghiệp của bạn 5 năm tới sẽ vượt Mobifone về doanh số… Bạn nghĩ về những điều to lớn nhưng cụ thể, rất đang sợ nhưng cũng rất thú vị. Điều đó sẽ giúp bạn có các ý tưởng vĩ đại.
  • Bước chân vào tương lai. Tôi đã làm việc với rất nhiều doanh nghiệp để viết tầm nhìn, cách tốt nhất là bạn đặt mình vào tương lai mà bạn đang hướng tới. Nghe có vẻ hơi lạ nhưng thực sự rất hiệu quả. Đừng viết theo kiểu tầm nhìn sẽ xảy ra, hãy viết theo cách tầm nhìn đã xảy ra.
  • Viết thật nhanh. Bạn hãy tìm chỗ nào đó yên tĩnh, thoải mái, thoáng khí và bắt đầu ngồi viết. Bạn cứ viết những gì bạn nghĩ ra thật nhanh, không chỉnh sửa lại, chỉ mất khoảng 5-10 phút.  Thể hiện đam mê cho từng ý tưởng.

BƯỚC 5 – Xem và soạn thảo lại tuyên bố tầm nhìn

Khi bạn soạn xong, hãy đọc và xem xét lại bản nháp từ đầu tới cuối. Đừng xóa phần nào. Theo kinh nghiệm của tôi, 80% những gì bạn viết ngay từ bản nháp đầu tiên là rất đúng. Bạn có rất nhiều thời gian để chỉnh sửa nội dung, câu chữ. Luôn đặt các câu hỏi trong đầu như “Tầm nhìn này nghe có gây cảm hứng không?”, “Có hứng khởi gì khi đọc nó không?”

Tầm nhìn phải thu hút và truyền cảm hứng
Tầm nhìn phải thu hút và truyền cảm hứng cho Nhân sự, Khách hàng và Nhà cung cấp

Bạn viết thông điệp càng nhiều chi tiết càng tốt – nó giúp cho tầm nhìn của bạn thực tế hơn. Đừng bao giờ dùng những câu mơ hồ như “Chúng ta sẽ thành công ty lớn trên thị trường”, thay vào đó, bạn hãy sử dụng những con số thực sự có ý nghĩa. Vậy những con số tài chính nào nói lên thành công dành cho bạn? Mức doanh số? Lương? Các khoản đầu tư?…

BƯỚC 6A, 6B,  6C – Viết lại các bản nháp về tầm nhìn doanh nghiệp

Nếu bạn muốn, bạn có thể thực hiện bước này và viết lại các bản nháp thứ hai hoặc hơn. Nhưng bạn cần phải tập hợp đủ thông tin và bước sang bước 7. Nhớ rằng sẽ không có bản nháp 6D. Nếu có thì D phải nghĩa là “Đạt”. Nghĩa là xong việc. Nếu bạn định làm bản 6D, thì tôi nghĩ bạn sẽ viện ra lý do “Tôi đã tập trung viết tầm nhìn vài năm nay rồi mà chưa xong…”

BƯỚC 7 – Nhờ giúp đỡ về việc chuẩn hóa tầm nhìn doanh nghiệp

Đây là lúc bạn cần tìm người bạn thực sự tin tưởng và tôn trọng. Người phù hợp nhất trong lúc này chính là nhà huấn luyện doanh nghiệp của bạn – người có kinh nghiệm, thấu hiểu và có chuyên môn giúp bạn.

Khi tôi mới lần đầu học cách viết tầm nhìn, tôi thường hỏi những người có chuyên môn cho tôi biết quan điểm của họ là gì (đôi khi, tôi giải thích tại sao tôi đặt ra tầm nhìn này nếu như họ không hiểu rõ ý tưởng của tôi). Vậy thôi. Bạn hãy tin tưởng nhà huấn luyện thoải mái đưa ra ra quan điểm phần nào làm họ thích thú nhất, phần nào họ cảm thấy không yên tâm, hay đại loại vậy.

BƯỚC 8 – Chia sẻ tầm nhìn doanh nghiệp sau khi xây dựng xong.

Cuối cùng, đây là lúc bạn chia sẻ tầm nhìn với những người mà bạn đang làm việc cùng. Khi đưa tầm nhìn của bạn ra cho toàn thể doanh nghiệp, mọi người sẽ hỏi làm thế nào bạn đạt được tầm nhìn này. Họ sẽ hỏi bạn câu hỏi “Thế nào”. Nhưng thực tế, tầm nhìn là tập trung vào câu hỏi “Cái gì”. Vào thời điểm này, nếu bạn không biết làm thế nào để đi được đến đó, cũng chẳng sao. Sau này cùng với nhà huấn luyện, bạn sẽ hình dung ra “Làm thế nào”.

Tầm nhìn là một di sản
Tầm nhìn vĩ đại sẽ để lại môt di sản cho dân tộc và thế giới.

 

By Đội ngũ các nhà huấn luyện Doanh Nghiệp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

X